Ngày 6/1, VinFast đã công bố sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo, khi công ty bước sang giai đoạn phát triển mới. Đáng chú ý, ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup (công ty mẹ của VinFast) sẽ chuyển từ vai trò Chủ tịch HĐQT VinFast sang đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc VinFast, thay cho bà Lê Thị Thu Thủy. Ông Phạm Nhật Vượng cũng sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò Tổng Giám đốc VinFast sang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ông Phạm Nhật Vượng sẽ tham gia công tác bán hàng của VinFast.
Trên cương vị CEO của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường. HĐQT tin rằng ông Phạm Nhật Vượng là người phù hợp nhất với vị trí Tổng Giám đốc toàn cầu của VinFast bởi ông có bề dày kinh nghiệm quý báu đúc kết được từ việc sáng lập và phát triển VinFast. Ông Phạm Nhật Vượng cũng là người lãnh đạo Vingroup, tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thị trường trong hàng loạt lĩnh vực từ công nghiệp, công nghệ, bất động sản đến dịch vụ.
Như vậy, đích thân vị tỷ phú sở hữu khối tài sản hơn 9 tỷ USD này sẽ tham gia trực tiếp vào công tác bán hàng của VinFast. Trên thương trường, không hiếm những vị Chủ tịch cũng "đích thân" đi bán những sản phẩm của công ty cho đối tác.
Ông Trương Gia Bình: "Công việc nặng nề nhất ở đội tuổi 70 là đi bán hàng"
Một trong những vị doanh nhân nổi tiếng cũng tham gia vào công tác bán hàng của công ty phải kể đến ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT (mã chứng khoán: FPT). Hồi tháng 9/2023, tại Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 đã có những chia sẻ bất ngờ về công việc "nặng nề" hiện tại mình vẫn làm ở độ tuổi 70, ngay cả khi đang là lãnh đạo của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam: "Tôi phải đi bán hàng và đến bây giờ vẫn còn đi bán hàng".
Ông Trương Gia Bình: "Công việc nặng nề nhất ở đội tuổi 70 là đi bán hàng"
Theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình, mới đây ông phải trực tiếp bay sang Nhật Bản gặp một công ty khách hàng, ngồi một tiếng đồng hồ để tư vấn, thuyết phục họ. Sau đó lại tiếp tục ra tàu điện đi gặp một công ty khác.
"Tôi kêu ca với nhân viên của mình rằng ngày trước anh có 5 cuộc gặp với đối tác một ngày tại sao bây giờ chỉ còn có 3. Nhân viên của tôi trả lời rằng là để giữ sức khỏe cho tôi. Tôi cho rằng mình không ngại điều đó và vẫn có thể tiếp tục làm việc", ông Bình bộc bạch.
Chủ tịch FPT cho rằng hiện nay rất hiếm doanh nghiệp lớn giờ này vẫn còn đi bán sản phẩm vì như vậy mình phải "chiều" khách hàng, có khi phải hạ mình thấp đến tận cùng thì mới có thể bán hàng được. Tất cả những tập đoàn nổi tiếng là đối tác của FPT là đích thân ông đi chào mời sản phẩm.
Ông Trương Gia Bình còn cho biết bán hàng tại Mỹ còn vất vả hơn nữa. Các khách hàng của FPT ở các thành phố khác nhau, có khi phải di chuyển bằng máy bay qua lại mấy lần. Có những ngày vị Chủ tịch này có khi phải bay vài chuyến như thế, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ. Đến hiện tại, khi FPT đã bắt đầu phải sản xuất được chip thì có khi phải gặp hết tất cả các công ty trong ngành này tại Mỹ để thuyết phục họ mua sản phẩm.
Ông Hoàng Nam Tiến bán hàng lúc nào doanh số cũng gấp 3 lần người khác
Tại FPT, không chỉ ông Trương Gia Bình "thân chinh" đi bán các sản phẩm của tập đoàn mà một số những vị lãnh đạo cấp cao khác trong tập đoàn này cũng làm việc đó. Một trong những người phải kể đến đó là ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT.
Ông Hoàng Nam Tiến bán hàng lúc nào doanh số cũng gấp 3 lần người khác.
Trong một chia sẻ trên mạng xã hội, ông Hoàng Nam Tiến cho biết khi đi bán hàng vị doanh nhân này luôn có doanh số gấp 3 lần người khác. Ông lý giải rằng để đạt được con số đó ông sẽ phải làm người chăm nhất và tìm được nhiều cách nhất.
"Ngay từ bé tôi đã được ba tôi dạy mình phải đặt bản thân vào vị trí của khách hàng.Ba tôi dạy rằng giống như việc đánh trận, mình bắt buộc phải xem kẻ thù có suy nghĩ như thế nào, lên kế hoạch đánh mình ra làm sao và ít nhất họ sẽ luôn thông minh và giỏi hơn mình. Từ bài học đó, tôi cũng luôn đặt mình vào phía khách hàng, biết khách hàng cần gì nên tôi luôn bán gấp 3 người khác", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hoàng Nam Tiến cho biết nếu chỉ bán gấp 3 người khác thì ông cũng chỉ có thu nhập cao hơn chứ cũng không thể đi làm lãnh đạo như bây giờ. Ông chia sẻ ông đã tìm cách để cả những người khác cũng bán hàng cho mình. Vị doanh nhân này cho biết ông đã đàm phán và thuyết phục 50 công ty tin học khác bán hàng cho mình, từ đó ông không chỉ có doanh số gấp 3 lần mà có thể gấp đến 100 lần. Ông đã có được vị trí lãnh đạo đầu tiên là điều hành trung tâm phân phối sản phẩm của FPT kể từ đó.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng cho biết ông đã gặp trực tiếp cách khách hàng để đàm phán. Và người đã giúp ông Tiến rất nhiều, còn dẫn ông đi để gặp những khách hàng lớn hơn và đào tạo ông chính là ông Trương Gia Bình.
Bầu Hiển đạp xe "lòng vòng" chở TV đi bán
Một vị Chủ tịch khác cũng rất tâm huyết việc bán hàng của mình chính là ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Theo chia sẻ của vị doanh nhân này, hồi năm 1986, khi lô monitor máy tính đầu tiên về Việt Nam và được nghiên cứu chuyển đổi thành TV đen trắng, bầuu Hiển là người đã được giao nhiệm vụ: vừa sản xuất vừa tự đem bán. Ông cùng với các đồng nghiệp trong phòng nghiên cứu về kỹ thuật, tổ chức dây chuyền, lắp ráp, từ vỏ cho đến các linh kiện để thành TV đen trắng. Sản xuất xong để bán đi được cũng không dễ dàng.
Bầu Hiển tiết lộ: "Hồi đó tôi nghèo lắm, đi xe đạp. Những ngày đầu, 1 chiếc xe đạp chở 1 chiếc TV đằng sau đi xuống chợ điện tử ở Ngã Tư Sở bán mà không ai mua vì không có thương hiệu gì. Thậm chí là xin ký gửi họ cũng không nhận. Sau đó tôi chở xuống Hà Đông, cũng không ai nhận và rồi phải vào 1 cửa hàng rất nhỏ thì mới gửi được ở đó để họ bán."
Sau đó TV này rất được ưa chuộng, bầu Hiển với các đồng nghiệp còn tổ chức 1 hội với chiến thuật bán hàng mang phong cách hội công nghệ Hà Nam Ninh.
Bầu Hiển đạp xe "lòng vòng" chở TV đi bán
Những năm sau đó, TV được chuyển vào TP.HCM để bán, và bán rất đắt hàng vì thị trường miền Nam không phân biệt thương hiệu và một phần nữa vì hàng hoá khi đó rất khan hiếm. "Lúc đó tôi như "vua" vì họ biết mình có hàng", bầu Hiển cho biết.
Cứ 1 tuần ông ở Hà Nội để tổ chức sản xuất, 1 tuần ông lại vào TP.HCM để đi bán hàng. Hàng sản xuất ra ông cho đóng hàng ở ga gửi vào đó rồi ông đi máy bay vào sau, đi giao hàng và thu tiền về. "Khi đó cứ tuần 1 lần, chuyến bay 5 giờ sáng là thấy tôi ở sân bay Nội Bài, tới mức bà lao công ở đó còn quen mặt", bầu Hiển kể lại.
Từ năm 1988 – 1992, bầu Hiển đã đi khắp các tỉnh miền Tây để bán TV, lên cả các miền như Trung - Tây Nguyên. Thậm chí, ông còn đi gặp và bán hàng cho các đài truyền hình địa phương và được đón tiếp rất nồng nhiệt.
Những năm 1993 - 1995, trong quá trình đi bán TV, ông đã có cơ hội làm việc nhiều với các chuyên gia người Nhật và được họ khuyên về thành lập công ty riêng và họ sẽ cung cấp các sản phẩm chính hãng của Matsushita để ông phân phối độc quyền toàn miền Bắc. Đó là khởi đầu cho sự ra đời của Tập đoàn T&T ngày nay.
(Theo Trọng Hiếu - An ninh Tiền tệ, dẫn từ https://cafef.vn/)