Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu đang hướng tới việc ‘hạ cạnh mềm’ khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt mà không gây suy thoái.

 

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ‘hạ cánh mềm’

IMF dự báo nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang hướng đến “hạ cánh mềm” trong năm nay. Ảnh: smartfinancefreedom.com

 

Tại cuộc họp báo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây, Julie Kozack, người phát ngôn của IMF, nhận xét những dự đoán tiêu cực cách đây một năm về suy thoái kinh tế ở nhiều khu vực đã không thành hiện thực trong năm 2023. IMF kỳ vọng tính kiên cường đó sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

Theo người phát ngôn IMF, nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu “hạ cánh mềm” với lạm phát dịu lại và thị trường lao động vẫn tốt. “Quan điểm chung của IMF là chúng ta đã sẵn sàng cho một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế toàn cầu”, bà Kozack nói.

Thuật ngữ “hạ cánh mềm” đề cập đến giai đoạn nền kinh tế chậm lại nhưng không sụp đổ. Đó là kịch bản lý tưởng cho các nhà hoạch định chính sách nhằm ổn định nền kinh tế mà không có bất kỳ sự “co giật” đột ngột nào.

Đầu năm ngoái, Kristalina Georgieva, Giám đốc IMF, cảnh báo một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023. Đến tháng 10, quỹ này dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3% vào năm 2023, sau đó sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024.

Các dự báo tăng trưởng của IMF ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử, nhấn mạnh những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đối mặt khi tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo bà Kozack, một trong những thách thức mà IMF nhận thấy rõ ràng là nền kinh tế toàn cầu đối mặt là tốc độ phục hồi không đồng đều sau đại dịch.

“Đặc biệt, các nước thu nhập thấp có nguy cơ bị tụt lại phía sau. Họ đang gặp khó khăn rất lớn trong nỗ lực phục hồi sau hàng loạt cú sốc như đại dịch, khủng hoảng lương thực và dầu mỏ. IMF đang tập trung vào các giải pháp giúp đỡ những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng toàn cầu”, bà Kozack nhấn mạnh.

Người phát ngôn IMF lưu ý, mức tăng trưởng gần đây và ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 3%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình trước đó là khoảng 3,8%. Vì vậy, các nước vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là trong trung hạn. Tình hình hiện tại cho thấy sự cần thiết phải có những chính sách và cải cách đúng đắn để có thể nâng cao năng suất.

Trong cuộc trò chuyện với CNN hồi đầu tháng 1, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng nhận định, nền kinh tế Mỹ chắc chắn hướng đến “hạ cánh mềm” nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hành động mạnh để kiểm soát lạm phát. Dù rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed gây một số tổn thương nhưng đã mang lại tác động tích cực mà không đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Ngay cả Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người nổi tiếng với những bình luận thận trọng cũng mô tả bối cảnh kinh tế Mỹ hiện tại là “một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”. Trong cuộc trò chuyện với Wall Street Journal mới đây, bà Yellen cho biết lạm phát của Mỹ đang dần xuống mức mục tiêu 2% của Fed, trong khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Các vấn đề về chuỗi cung ứng do tác động của đại đại dịch, sự mất cân đối và gián đoạn trên thị trường lao động dường như đã được khắc phục xong.

Hôm 9-11, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp về mức 2,4% trong năm 2024, đe dọa các mục tiêu giảm nghèo. Theo WB, nền kinh tế toàn cầu tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái vào năm 2023. Tuy vậy, căng thẳng địa chính trị dâng cao với các cuộc xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas, khiến hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025 so với thập niên trước.

Ngoài ra, báo cáo của WB chỉ ra rủi ro khác gồm căng thẳng tài chính liên quan đến lãi suất thực vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo yếu hơn, sự phân mảnh thương mại ngày càng sâu sắc và các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng.

Indermit Gill, kinh tế trưởng của WB nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu. Điều này khiến nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo mắc kẹt trong một cái bẫy với mức nợ tê liệt và khả năng tiếp cận thực phẩm khó khăn đối với người dân”.

(Theo Lê Linh - https://thesaigontimes.vn/; nguồn từ Reuters, AFP, CNN)