Nhà đầu tư muốn rót tiền vào các dự án công nghiệp
Với mục tiêu thu hút trên 100 dự án trong năm 2025, thời gian qua, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đến Bình Định tìm hiểu môi trường đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Lớn nhất trong số này là dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao với tổng mức đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỷ USD do Tập đoàn Syre (Thụy Điển) muốn đầu tư tại Bình Định.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Định vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Syre cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Đồng thời, Tập đoàn này đề xuất được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai dự án tái chế rác thải dệt may, hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu tái chế và đánh giá tác động môi trường, hỗ trợ kết nối với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi…
Thêm vào đó, Công ty Environmental Landscape Pte Ltd (gọi tắt là Công ty EL, trụ sở tại Singapore) đề xuất triển khai 5 dự án tại tỉnh Bình Định, gồm: Dự án Cải tạo đất và phân bón; dự án Năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm - chế biến thủy sản; dự án Hợp tác phát triển viên nén gỗ, than sinh học; dự án Cụm công nghiệp (CCN) tái tạo đa chức năng; dự án Khu công nghiệp (KCN) năng lượng mặt trời (bao gồm một trang trại điện mặt trời - nước).
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tiếp và làm việc Công ty Environmental Landscape Pte Ltd (Singapore). Ảnh: L.A
Đối với các dự án do Công ty EL đề xuất, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đã giao các Sở, ngành liên quan giới thiệu một số đối tác có năng lực sản xuất phân bón hữu cơ tại địa phương để hợp tác với Công ty EL thực hiện dự án Cải tạo đất và phân bón; giới thiệu các khu, cụm công nghiệp phù hợp để nhà đầu tư lựa chọn, triển khai thực hiện dự án Hợp tác phát triển viên nén gỗ, than sinh học.
Cùng với đó, các Sở, ngành giới thiệu Công ty EL triển khai thực hiện dự án CCN tái tạo đa chức năng tại CCN Cát Hanh (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), sau khi CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật CCN này.
Riêng đối với dự án Năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm - chế biến thủy sản và dự án KCN năng lượng mặt trời (bao gồm một trang trại điện mặt trời - nước), ông Thanh đề nghị nhà đầu tư tiếp tục khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể và đề xuất diện tích đất phù hợp với quỹ đất hiện nay của tỉnh.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Samsung E&A Việt Nam (SE&A) cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án tại Bình Định như: cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và chất thải rắn đô thị (đốt rác phát điện) với vai trò là nhà đầu tư cho đến cung cấp các giải pháp về kỹ thuật, tổng thầu EPC và vận hành dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trước đề xuất của nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã giới thiệu dự án Nhà máy đốt rác Hoài Nhơn với công suất 250 tấn/ngày, tương lai lượng rác cần xử lý sẽ tăng lên khoảng 500 tấn/ngày để SE&A nghiên cứu đầu tư.
Đối với lĩnh vực xử lý nước thải, Bình Định đang đề xuất triển khai các dự án xử lý nước thải tại 3 địa phương bằng hình thức vốn vay ODA, gồm: thị xã Hoài Nhơn với tổng công suất 7.000 m3/ngày/đêm; thị xã An Nhơn với công suất 10.000m3/ngày/đêm; huyện Tây Sơn với công suất 5.000m3/ngày/đêm.
Hiện, các huyện và các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định đang cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trường hợp SE&A có công nghệ tốt và chi phí giá hợp lý, tỉnh này sẽ bố trí nguồn vốn để hợp tác với SE&A triển khai; đồng thời, giới thiệu doanh nghiệp đến các chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN đã và đang triển khai dự án.
Hoàn thiện làm hạ tầng "chờ" nhà đầu tư
Tại họp mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP. HCM đầu Xuân Ất Tỵ 2025 vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh này cho hay, hiện, địa phương đã có nhà đầu tư "rót vốn" vào khu công nghệ cao AI bán dẫn và các dự án đã triển khai.
Đồng thời, có nhà đầu tư đề xuất đầu tư KCN văn hóa khoảng 700ha; nhiều nhà đầu tư đăng ký làm khu, cụm công nghiệp nhưng cam kết làm đến đâu sẽ lấp đầy đến đấy…

Trong năm 2025, Bình Định phấn đấu thu hút trên 100 dự án đầu tư. Ảnh: N.T
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng mời gọi các nhà đầu tư về Bình Định để đầu tư KCN; nhà ga; các khu thương mại, dịch vụ, logistics; các nhà máy chế biến; bất động sản; công nghệ…
"Cách làm của Bình Định là KCN gắn với đô thị, tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt tử tế cho công nhân, người lao động. Đơn cử KCN, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định có diện tích 1.000 ha có 4 khu đô thị đi kèm", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn còn thông tin, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ cố gắng khởi công vào cuối năm 2025 và thi công trong vòng 2 năm. Như vậy, tuyến đường bộ về Bình Định sẽ rất thuận lợi từ cao tốc theo trục Đông - Tây và trục Bắc - Nam.
Về đường hàng không, tháng 8 năm nay, Bình Định sẽ khởi công mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát. Lý do đường băng số 2 cố gắng làm trong 10 tháng, ông Tuấn giải thích, tổng khối lượng san lấp để có được đường băng là 4 triệu m3, riêng thời gian san lấp nhanh là mất 4 tháng, còn xây đường băng yêu cầu làm cấp tốc trong 6 tháng.
Đối với cảng biển, ông Tuấn nhìn nhận, hiện, Cảng Quy Nhơn sẽ không đáp ứng được trong tương lai. Tuy nhiên, quy hoạch tỉnh Bình Định đã "chốt" sẽ làm cảng nước sâu ở Phù Mỹ.
Vừa qua, chính quyền tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phù Mỹ (giai đoạn 1) với diện tích gần 437 ha (thuộc quy hoạch Phân khu Bắc, KCN này), tổng vốn đầu tư hơn 4.569 tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 31/3 sẽ được khởi công.
"Đi kèm với KCN này là Cảng Phù Mỹ. Cảng Phù Mỹ nước sâu trên 22m, không bị bồi lắng và có thể đón được tàu 150-200 nghìn tấn. Kế hoạch của chúng tôi, đến năm 2028 sẽ có cảng nước sâu tại Phù Mỹ. Lúc này, Cảng Quy Nhơn sẽ là cảng du lịch", ông Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng nhìn nhận, địa phương vẫn còn nhiều trở ngại. Trong đó, lớn nhất là nguồn nhân lực, tiếp đến là địa phương vẫn là vùng trũng về thu hút đầu tư. Ông Tuấn cam kết, khi các nhà đầu tư về Bình Định làm nhà máy thì tỉnh này hoàn thiện làm hạ tầng.
"Hạ tầng chúng tôi cam kết đầu tư đến tận hàng rào. Như KCN Phù Mỹ, chúng tôi đầu tư khoảng 2.000 tỷ đường kết nối giao thông từ cảng Phù Mỹ lên cao tốc. Khi nhà đầu tư làm xong hạ tầng KCN, chúng tôi cũng xong đường kết nối lên cao tốc", ông Tuấn thông tin thêm.
( NGUYỄN TRI - https://nhadautu.vn/loat-doanh-nghiep-fdi-muon-chon-binh-dinh-lam-ben-do-co-du-an-ty-usd-d94030.html )