Chiều 24/9, trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sân bay lớn nhất của nước ta từ trước đến nay, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo Báo Chính phủ, từ tháng 2/2024 (lần gần nhất Thủ tướng Chính phủ đến thăm công trình) đến nay, chỉ sau 7 tháng, nhiều hạng mục, công trình đạt khối lượng thi công lớn.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sân bay lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Trong đó, dự án thành phần 2 - Đài kiểm soát không lưu đã vượt tiến độ 2 tháng. Đặc biệt, với dự án thành phần 3, nhà ga hành khách đến nay đã đạt hoàn thành 100% phần móng, tiến độ thi công vượt 20 ngày phần thô và 10 ngày tổng thể; đường cất hạ cánh đến nay đã cơ bản hoàn thành phần nền móng, vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng.
Tại cuộc làm việc trên công trường dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là công trình biểu tượng của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ so với trước đó, với mục tiêu tới ngày 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành công trình biểu tượng này để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rút ngắn tiến độ so với trước đó, với mục tiêu tới ngày 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta có đủ cơ sở để rút ngắn tiến độ, cơ bản hoàn thành dự án vào 31/12/2025, do chúng ta đã trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn trong triển khai các dự án hạ tầng lớn, các thủ tục đã cơ bản xong, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, nhân lực, máy móc trên công trường tương đối đầy đủ.
Nghiên cứu, triển khai giao thông kết nối sân bay Long Thành
Thủ tướng yêu cầu phát động đợt thi đua 450 ngày để công trình về đích vào 31/12/2025; tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để triển khai thi công công trình.
Trong đó, ACV khẩn trương triển khai các gói thầu còn lại của dự án thành phần 3. Bộ NN&PTNT khẩn trương bố trí vốn triển khai công trình trụ sở trạm kiểm dịch động/thực vật, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với các hạng mục của toàn bộ dự án.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm và khẩn trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 4, chủ trì trong việc khớp nối tiến độ thi công của dự án thành phần 1, 2, 4 với dự án thành phần 3 của ACV…
Nghiên cứu, triển khai các tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành, bao gồm cả phương án đường sắt, tàu điện ngầm… Ảnh minh hoạ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ việc triển khai Dự án mở rộng cao tốc đoạn TP. HCM - Long Thành.
Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, triển khai các tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành (bao gồm cả phương án đường sắt, tàu điện ngầm…).
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ sân bay Long Thành là hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 5,4 tỷ USD, trong đó dự án thành phần 3 có nhu cầu vay vốn tính đến ngày 13/12/2023 là 1,8 tỷ USD (33%).
Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2015 với mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng, lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 5.000 ha lớn nhất Việt Nam.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô đón 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Công suất hoạt động đón 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý và vận hành. Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được dự báo tạo 200.000 việc làm và đóng góp 0,98% vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030.
Cùng với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mở rộng) và sân bay Biên Hòa (đang được nghiên cứu nâng cấp, khai thác dân sự), Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo thành một cụm cảng hàng không quốc tế hiện đại, có quy mô và sức chứa lớn, năng lực khai thác đồng bộ, chất lượng, trở thành trung tâm trung chuyển hàng không, logistics với tầm cỡ hàng đầu khu vực và quốc tế.
(Theo Dy Khoa - https://markettimes.vn/)