Mới đây, Liên danh FPT Quy Nhơn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ động thổ khởi công Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) - Đô thị phụ trợ tại Bình Định. Theo đó, Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng, do Liên danh FPT Quy Nhơn làm chủ đầu tư, với 3 đơn vị tham gia, gồm: Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng, Công ty TNHH Đầu tư FPT, Công ty TNHH Phần mềm FPT. Dự án gồm 3 phân khu chức năng chính: Trung tâm AI, khu giáo dục và đào tạo, khu đô thị phụ trợ.
Trong đó, Trung tâm AI là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, AI phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ. Khu đô thị phụ trợ đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu theo đặc thù khu đô thị AI, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Định, đặc biệt là nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, AI.
Quy mô kinh tế tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm
Bình Định nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trong Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, với diện tích tự nhiên là 6.071,3 km2; gồm 8 huyện, 2 thị xã và Tp. Quy Nhơn. Tỉnh có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Theo số liệu của Cục Thống kê địa phương, trong giai đoạn 2016-2020, mức tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,4%. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Định thể hiện qua Tổng sản phẩm địa phương (theo giá hiện hành) ngày càng được mở rộng, năm 2015 đạt 55.957,9 tỷ đồng, đến năm 2020 ước đạt 88.389 tỷ đồng. Quy mô GRDP theo giá hiện hành đến năm 2020 gấp 1,58 lần so với 5 năm trước.
Tính riêng năm 2023, tỉnh Bình Định có 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (7 - 7,5%) và xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quy mô kinh tế của tỉnh đạt 117.668,8 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so với năm 2015; xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quyết tâm của Bình Định trong làn sóng phát triển mới về công nghệ
Phát biểu tại buổi lễ ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, dự án trung tâm trí tuệ nhân tạo của FPT không chỉ là bước ngoặt trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, mà còn là một minh chứng sống động cho sự quyết tâm của tỉnh trong việc nắm bắt và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019.
"Việc xây dựng Trung tâm này là một minh chứng cho sự quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với các định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52, góp phần tăng nhanh tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh Bình Định, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, và dữ liệu lớn (Big data), qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Định trong thời đại công nghệ số", ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.
Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010 - 2015 đến nay, Bình Định luôn xác định phát triển khoa học và công nghệ là hướng đi có tính đột phá của địa phương, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tỉnh ủy đã ban hành riêng Chương trình hành động về phát triển khoa học và công nghệ.
Trong đó xác định mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển KT-XH và phát triển bền vững; xây dựng Bình Ðịnh trở thành điểm đến của các DN công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước. Phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; xây dựng Trung tâm AI - Đô thị phụ trợ tại TP Quy Nhơn.
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 của tỉnh Bình Định, về kinh tế số, mục tiêu Bình Định đến năm 2025 phấn đấu chiếm 10% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%.
(Hoàng Nguyễn - Nhịp sống thị trường, từ https://cafef.vn/)