Quản lý tài chính cá nhân luôn là vấn đề hóc búa và thực sự khó khăn với nhiều người, ngay cả với người giàu hay các chuyên gia về đầu tư, tài chính... Và phương pháp quản lý theo 5 tài khoản dưới đây là một gợi ý để mình có thể áp dụng quản lý tài chính cá nhân trở nên hiệu quả hơn.

 

Phương pháp này dựa theo phương pháp 6 chiếc lọ (JARS system) của Harv Eker và có một số điều chỉnh thay đổi theo quan điểm cá nhân của tôi.

1. Tài khoản chi tiêu hàng ngày: 55% ( C)

Đây là những khoản chi tiêu cơ bản trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân, hay mỗi gia đình. Ví dụ như chi phí cho bữa ăn uống hàng ngày, tiền thuê nhà, xăng xe, tiền điện, bảo hiểm, tiền sữa cho con, tiền học cho con...

Tùy thuộc vào sinh hoạt, nhu cầu của mỗi cá nhân, gia đình khác nhau mà khoản này khác nhau. Về cơ bản, với mỗi cá nhân, khoản chi tiêu này được tính có thể dựa vào công thức sau: lấy giá tô phở ở nơi bạn sống x 168. 

Ví dụ: Giá tô phở nơi bạn sống là 30.000đ; vậy thì bạn cần để dành riêng cho tài khoản này tầm: 30.000 x 168 = 5.040.000đ. Nếu tô phở ở nơi bạn sống có giá trung bình là 50.000đ, thì phần tài chính cho tài khoản này là: 50.000 x 168 = 8.400.000đ

2. Tài khoản đầu tư cho rèn luyện thể chất, trí tuệ: 10% (R)

Bạn cần đầu tư cho sức khỏe thể chất và trí tuệ của mình thường xuyên và liên tục.

Bạn nên chơi một môn thể thao nào đó phù hợp với sức khỏe hiện tại, và những môn mà bạn yêu thích. Ví dụ như: chạy bộ, chơi cầu lông, tennis, đá bóng, tập Judo,... Bạn cần một khoản chi phí để mua sắm vật dụng cho môn thể thao đó, hay khoản học phí nếu có và những khoản chi phí liên quan...

Bạn cũng cần đầu tư cho việc phát triển trí tuệ của mình. May mắn là với sự phát triển công nghệ hiện tại, bạn hoàn toàn có thể tiếp nhận kiến thức, thông tin mới gần như miễn phí với chỉ 1 cái smartphone đủ pin và có kết nối wifi hay 4G... Bên cạnh đó, bạn có thể mua 1 cuốn sách để đọc, một thói quen rất tốt cho việc phát triển trí não. Bạn cũng có thể tham gia vào các khóa học đào tạo kỹ năng ngắn hạn, học ngoại ngữ...

3. Tài khoản tiết kiệm: 10% (T)

Đây là tài khoản tích lũy cho tương lai, dự phòng cho những trường hợp cần đến trong trung và dài hạn. Thường là để dùng cho những việc lớn, việc quan trọng. Ví dụ như dự phòng cho ốm đau bệnh tật sau này, tích lũy cho tuổi già, khi bị thất nghiệp, mua nhà, đám cưới...

4. Tài khoản đầu tư: 15% (Đ)

Đầu tư sinh lời để cải thiện chất lượng đời sống và tài chính của bạn về lâu dài. Tùy theo quy mô tích lũy của tài khoản, bạn có thể chọn các hình thức đầu tư phù hợp. Đương nhiên, phù hợp với cả kiến thức và kỹ năng mà bạn có để phát huy sinh lời cao trong khả năng có thể. Nên hướng tới đầu tư trung và dài hạn. Đây được coi như là "con ngỗng vàng" của bạn, hay gia đình bạn.

Ví dụ, bạn có thể đầu tư chứng khoán, đầu tư vào các quỹ đầu tư, vàng, ngoại hối, bất động sản, hợp tác kinh doanh, coin...

Và đừng bao giờ rút lợi nhuận từ tài khoản này ra nếu không thực sự rơi vào tình huống khẩn cấp, hay cho những việc quan trọng. Hãy cứ tiếp tục tái đầu tư. Hay nói cách khác, đừng bao giờ "xẻ thịt con ngỗng" của bạn.

5. Tài khoản dự phòng: 10% (D)

Đây là tài khoản dự phòng ngắn hạn cho những tình huống phát sinh nhỏ hàng tháng, như đi đám cưới, đi du lịch, bữa ăn sang trọng hơn, có tiệc tùng với gia đình hay bạn bè...

Nếu trong tháng đó, bạn không có việc gì để dùng hết số tiền này thì có thể giữ đó, tiếp tục cộng dồn. Nếu khoản cộng dồn đủ lớn, bạn có thể chuyển một phần hoặc tất cả chúng vào tài khoản đầu tư.

 

Ngoài ra, nếu thu nhập của bạn quá nhỏ, không đủ để thực hiện phân chia thành 5 tài khoản như trên, bạn nên tìm công việc gì đó để kiếm thêm thu nhập, như: bán hàng online, bán hàng homemade, nhận thêm việc làm tại nhà... tùy theo chuyên môn và kỹ năng của bạn. Bảo đảm tối thiếu thu nhập của bạn phải có là tích của 168 với giá tô phở nơi bạn sinh sống. 

Phương pháp trên cũng sẽ thay đổi cho phù hợp khi thu nhập của bạn nhiều lên đáng kể. Khi đó, bạn có thể nhập 3 tài khoản như sau vào thành một: C + R + D, tuy nhiên, tỷ lệ phân chia sẽ thay đổi đáng kể tùy thuộc vào nhu cầu chi tiêu của bạn; cùng với 2 tài khoản là T và Đ. Như vậy lúc này bạn chỉ có 3 nhóm tài khoản cần quan tâm với tỷ lệ phân chia tùy theo nhu cầu chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư của bạn.

Chúc bạn và gia đình thành công trong quản lý tài chính cá nhân của mình!