1. TÍN LỰC
Tín là tin, lòng tin, đức tin. Khổng Nho nói: "Nhân vô tín, bất lập", có nghĩa là người không giữ chữ tín thì không đặt để vào đâu được cả. Ý nói là không thể đứng được trong thế gian, không thể làm người được nữa.
Tín là tin vào mình, tin vào khả năng của mình, tin vào công việc mà mình đang thực hiện. Trong thi cử, tranh tài thể thao, kinh doanh buôn bán, tiếp thị, ngoại giao, diễn thuyết, thuyết pháp, tranh cử, lãnh đạo...; ai có chữ tín này sẽ có sức mạnh nội tâm, các trạng thái tâm sinh lý như được tiếp truyền thêm năng lượng, năng lực. Nó là yếu tố quyết định cho sự thành công. Tuy nhiên, tín theo nghĩa này cũng có mặt trái của nó. Tự tin là tốt, nhưng quá tự tin đến nổi vượt quá khả năng của mình, vượt quá kiến thức, trình độ của mình, ở ngoài giới hạn chuyên môn của mình thì tín ấy đồng nghĩa với ảo tưởng, không tưởng; tức là tin vào cái mà mình không thực sự có, tin vào cái mà mình không có khả năng. Bên sau tín này là mạn, kiêu và ngã; sẽ dẫn đến thất bại, mọi người sẽ coi khinh.
Tín là tin vào cái chưa biết, nhưng có suy luận, tư duy, thẩm sát, chiêm nghiệm...
Xây dựng chữ tín là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhưng nếu không giữ gìn và bảo vệ chữ tín thì nó có thể biến mất nhanh chóng và khả năng xây dựng lại càng khó khăn gấp bội.
Còn khi đã có tín rồi thì làm việc gì cũng thuận lợi, xuôi chèo mát mái.
2. TẤN LỰC
Tấn là tinh tấn, chuyên cần, dũng mãnh, cố gắng, nỗ lực, ráng sức...
Khi đã có niềm tin vào ai đó, vào bản thân, vào công việc cụ thể nào đó..., thì gắng sức, nổ lực mà làm để đạt được kết quả. Nếu làm nửa vời, làm cho có, thấy khó thì bỏ nhảy, dễ nãn lòng... thì rất khó để hoàn thành công việc, rất khó làm việc lớn, hay làm việc gì đó cho ra trò.
Làm việc gì cũng vậy, phải bỏ công, bỏ sức, vận dụng trí lực của mình ra làm, nổ lực hết mình thì mới mong đạt được mục tiêu
3. NIỆM LỰC
Niệm có đầy đủ các nghĩa như nghĩ đến, tưởng đến, nhớ, trí nhớ, ghi nhận, chú tâm... Nhưng chính xác nhất, niệm, gần với ghi nhận hoặc chú tâm hơn.
Chúng ta cần chú ý, tập trung, chuyên tâm vào việc cần làm, vào mục tiêu đã vạch ra. Tuyệt đối không lơ là, khinh suất. Nếu không, việc khó thành, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể gây ra hậu quả khó lường.
4. ĐỊNH LỰC
Định là tâm không loạn, luôn luôn trầm tĩnh, bình tĩnh, ổn định, an nhiên, không lay động, không xao động trước mọi tình huống, cảnh trạng của cuộc đời. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Trong quá trình làm việc, hay trong cuộc sống, kinh doanh, không tránh khỏi có những thời điểm, giai đoạn gặp những khó khăn, biến cố, chúng ta cần vững vàng tâm lý, giữ lập trường, bình tĩnh tìm giải pháp xử lý.
Dựa vào TÍN LỰC, dùng TUỆ LỰC và TẤN LỰC, kết hợp với NIỆM LỰC để lèo lái đội ngũ hay bản thân mình đi đúng hướng theo con đường đã chọn. "Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân"
5. TUỆ LỰC
Tuệ là sự sáng suốt, trí, minh mẫn. Cần luôn tràu dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để có trí sáng, tinh thông nhiều việc thì dễ dàng và nhanh chóng khi ra quyết định. Giúp tránh những sai lầm, ấu trĩ.
Tinh thần học hỏi, cầu tiến sẽ giúp bản thân có nhiều cơ hội tiến thân và hoàn thành mục tiêu thuận lợi hơn.
"Khi trò sẵn sàng, thầy sẽ xuất hiện".
Nắm vững ngũ lực và không ngừng rèn luyện giúp chúng ta làm chủ được hoàn cảnh, hiện thực hóa hoàn thành mục tiêu và sẵn sàng ứng phó, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.