1. DISC là gì?
DISC là viết tắt của 4 từ tiếng Anh: Dominance (Thống trị) – Influence (Ảnh hưởng) – Steadiness (Kiên định) – Compliance (Tuân thủ). Mỗi từ tương ứng với một nhóm tính cách được xác định tại một thời điểm nhất định thông qua hành vi của một cá nhân.
DISC là gì?
DISC là một hệ thống phân loại tính cách được thiết kế dựa trên lý thuyết của William M. Marston – một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ vào những năm 1920.
Trong giao tiếp, ta có thể áp dụng mô hình DISC để biết được người đối diện thuộc nhóm tính cách nào bằng cách quan sát hành vi của họ. Điều này giúp bạn hiểu hơn tính cách của đối phương, giúp cho cuộc trò chuyện trở nên thoải mái và cởi mở hơn.
Hiện nay, trắc nghiệm DISC nhóm tính cách cũng được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có quản trị nhân sự. Thông qua bảng kết quả trắc nghiệm, nhà tuyển dụng có thể hiểu được tính cách của các ứng viên và đánh giá họ có phù hợp với văn hóa, phong cách làm việc của doanh nghiệp hay không. Thêm vào đó, bài test DISC còn giúp cải thiện văn hóa doanh nghiệp và tăng cường giao tiếp hiệu quả.
2. Khám phá 4 nhóm tính cách DISC
Trên thực tế, mỗi cá nhân trong số chúng ta đều có đặc điểm của cả 4 nhóm tính cách DISC, tuy nhiên mức độ biểu hiện lại khác nhau. Thông qua DISC tính cách con người sẽ được chia thành 4 nhóm cụ thể, bao gồm:
D (Dominance): Nhóm người thống trị.
I (Influence): Nhóm người ảnh hưởng.
S (Steadiness): Nhóm người kiên định.
C (Compliance): Nhóm người tuân thủ.
Đặc điểm 4 nhóm tính cách DISC
Tìm hiểu ngay:
Extrovert là gì? Đặc điểm tính cách người hướng ngoại
Introvert là gì? Đặc điểm, tính cách của 4 kiểu người hướng nội
2.1 Nhóm người thống trị (Dominance)
Nhóm người thống trị (Dominance) là 1 trong 4 nhóm tính cách DISC cơ bản được sử dụng để phân loại tính cách con người. Một vài đặc điểm tính cách đặc trưng ở nhóm D như:
Những người thuộc nhóm này thường có tính cách tự tin và quyết đoán. Thay vì sợ hãi, họ chọn đối diện trực tiếp với vấn đề và hướng đến kết quả với ham muốn chiến thắng mạnh mẽ.
Nhóm tính cách D cũng có xu hướng làm việc độc lập và tự quyết định. Họ thường muốn nắm giữ vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và luôn biết cách thúc đẩy người khác để đạt được mục tiêu.
Nhóm tính cách Dominance thường muốn nắm giữ vai trò lãnh đạo
Nhóm người này cũng có góc nhìn toàn cảnh, đa chiều về một vấn đề nhờ vào khả năng tư duy logic và phân tích mạnh mẽ.
Tính cách đặc trưng của nhóm D còn đến từ sự thẳng thắn và bộc trực. Họ ít khi vòng vo mà luôn trực tiếp đi thẳng vào vấn đề để nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết.
Họ cũng luôn nỗ lực hành động, hiện thực hóa ý tưởng thay vì chỉ nói suông. Chính ý chí mạnh mẽ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro là yếu tố quan trọng giúp họ đạt được thành công.
Nhược điểm của nhóm D là sự thiếu kiên nhẫn, thường có xu hướng áp đặt đồng thời ít quan tâm về mặt tiểu tiết. Tính cách thẳng thắn, ít vòng vo của người nhóm D cũng đôi lúc khiến người đối diện cảm thấy bị tổn thương.
Các bài trắc nghiệm DISC chỉ ra rằng, các cá nhân thuộc nhóm Dominance nên nắm giữ những vai trò như: giám đốc điều hành, doanh nhân, luật sư, cảnh sát,… Để giao tiếp hiệu quả với nhóm tính cách D, bạn nên trình bày vấn đề gãy gọn, xúc tích, đi vào trọng tâm, tránh dông dài.
2.2 Nhóm người có tầm ảnh hưởng (Influence)
Nhóm tính cách I bao gồm những người chú trọng về danh tiếng, sức ảnh hưởng của mình đến mọi người xung quanh. Đặc trưng dễ nhận thấy ở nhóm người này bao gồm:
Họ là người có tính cách nhiệt tình, cởi mở, lạc quan và tràn đầy năng lượng.
Nhóm người này cũng có khả năng giao tiếp xã hội tốt, thường hay tham gia vào các hoạt động nhóm để tạo dựng mạng lưới quan hệ.
Nhóm tính cách I thường giao tiếp tốt, nhiệt tình và cởi mở
– Họ cũng là những người có tài thuyết phục, khiến người khác tin tưởng và ủng hộ ý kiến của mình.
– Những người thuộc nhóm I thường có sự sáng tạo trong cách họ tiếp cận công việc và cuộc sống.
– Họ cũng rất nhạy cảm và thấu hiểu người khác, luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ những người xung quanh.
Có thể nói, động lực làm việc của người nhóm I đến từ sự công nhận của xã hội. Do vậy, đôi khi họ lại quá chú trọng đến danh tiếng và lo sợ đánh mất tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng. Khi bị ngó lơ hoặc bị từ chối, nhóm người này rất dễ cảm thấy bị tổn thương.
Lời khuyên dành cho nhóm này là hãy tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể thay vì cứ chú trọng đến thái độ và cách nhìn nhận của người khác. Nếu bạn thuộc nhóm tính cách có tầm ảnh hưởng, bạn sẽ phát huy tốt tiềm năng ở những vai trò như: giám đốc quan hệ công chúng, giám đốc sáng tạo, thiết kế đồ họa, hướng dẫn viên du lịch,…
2.3 Nhóm người kiên định (Steadiness)
Nhóm tính cách tiếp theo trong mô hình DISC đó chính là Steadiness – nhóm người kiên định. Đúng như tên gọi, những người thuộc nhóm này thường có tính cách đặc trưng như sau:
Nhóm S thường có tính cách kiên nhẫn, bình tĩnh trước mọi vấn đề, kiểm soát cảm xúc một cách dễ dàng và không bị áp lực trong những tình huống căng thẳng.
Họ luôn biết cách tính toán trước mọi việc, thích làm việc theo kế hoạch và hành động nhất quán có trước có sau.
Người thuộc nhóm S cũng được đánh giá là đáng tin cậy, có sự chân thành với mọi người xung quanh. Điều này được thể hiện qua cách mà họ sẵn sàng giúp đỡ người khác trong những thời điểm khó khăn.
Người thuộc nhóm S thích làm việc theo kế hoạch, trách nhiệm và đáng tin cậy
Nhóm người này cũng rất chú trọng chi tiết và sự tỉ mỉ trong công việc. Họ thường có xu hướng tập trung vào các nhiệm vụ một cách cẩn thận, làm việc với mức độ cam kết và hiệu quả cao.
Tuy nhiên, nhóm tính cách S thường bị thiếu quyết đoán và cảm thấy bất an trước những thay đổi nhanh chóng. Điều này dẫn đến sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt và khó thích nghi với môi trường mới hoặc thay đổi trong cuộc sống.
Qua kết quả đánh giá nhóm tính cách, người thuộc nhóm S sẽ phù hợp với những vai trò như: giám đốc nhân sự, điều tra viên, chuyên gia,…
2.4 Nhóm người tuân thủ (Compliance)
Nhóm tính cách cuối cùng trong mô hình DISC đó chính là Compliance – nhóm người tuân thủ. Đây là tập hợp những cá nhân có đặc điểm tính cách như sau:
– Người thuộc nhóm Compliance thường có tính cách thận trọng, cẩn thận trong mọi việc. Họ luôn chú trọng đến chi tiết và cố gắng đảm bảo mọi thứ được thực hiện đúng cách.
– Họ có khả năng tổ chức tốt, thích sắp xếp công việc một cách có hệ thống và khoa học.
Người nhóm C có khả năng tổ chức và hệ thống công việc
– Những người thuộc nhóm này thường rất tôn trọng và tuân thủ những quy tắc, quy định.
– Họ có xu hướng giao tiếp một cách thận trọng, tránh việc đưa ra ý kiến chủ quan nếu cảm thấy không chắc chắn.
– Mặc dù có khả năng thích nghi song người thuộc nhóm C thường cần thời gian để hiểu và chấp nhận thay đổi.
Vì tính cách quá thận trọng, nhóm người tuân thủ thường bị chậm trễ trong công việc, dẫn đến quá tải. Đồng thời tính cách này đôi khi cũng có thể cản trở quá trình sáng tạo và thay đổi tích cực. Nếu bạn thuộc nhóm tính cách Compliance, bạn sẽ có thể đảm nhận tốt các vai trò như: kế toán, nhà khoa học, kỹ sư phần mềm,…
3. Cách kết hợp các nhóm tính cách DISC
Như đã đề cập ở trên, mỗi cá nhân không chỉ có đặc điểm của một nhóm tính cách mà thay vào đó có thể sở hữu đặc điểm kết hợp của nhiều nhóm khác nhau. Cụ thể, từ 4 nhóm tính cách DISC, ta có thể kết hợp thành 8 nhóm tính cách khác như sau:
Cách kết hợp các nhóm tính cách DISC
Nhóm tính cách kết hợp:
Nhóm thách thức (DC)
– Tính cách tự tin, quyết đoán, giao tiếp thẳng thắn.
– Tinh thần kỷ luật cao.
– Thích thể hiện sự kiểm soát, giỏi lãnh đạo.
– Hướng đến giải quyết thách thức và đạt được mục tiêu cao cả.
Phù hợp với vai trò: Quản lý dự án, quản lý vận hành, kiến trúc sư, luật sư,…
Nhóm tìm kiếm (DI)
– Tính cách hòa đồng, nhiệt tình.
– Sáng tạo, ham học hỏi.
– Có xu hướng kiểm soát, ám ảnh bởi quyền lực.
– Tập trung vào sự phát triển cá nhân.
Phù hợp với vai trò: Giám đốc nghệ thuật, nhà báo, giám đốc Marketing,…
Nhóm chấp nhận rủi ro (ID)
– Tính cách hòa đồng, lạc quan.
– Tự tin, sáng tạo, có tài thuyết phục và khả năng truyền cảm hứng.
– Thẳng thắn về mặt cảm xúc.
– Chấp nhận rủi ro để đi đến thành công.
Phù hợp với vai trò: Nhà văn, HR, trưởng phòng thu hút nhân tài,…
Nhóm thân thiết (IS)
– Tính cách thân thiện, hòa đồng.
– Dễ đồng cảm và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
– Thích nghi nhanh chóng với các môi trường khác nhau.
– Ưu tiên lợi ích của cộng đồng lên trên bản thân.
Phù hợp với vai trò: Người tổ chức cộng đồng, chuyên viên tư vấn, huấn luyện viên cá nhân,…
Nhóm cộng tác (SI)
– Giàu sự đồng cảm, biết lắng nghe và chia sẻ.
– Không thích sự xung đột.
– Có khả năng gắn kết mọi người lại với nhau.
Phù hợp với vai trò: Quản lý nhân sự, chuyên viên cố vấn, giáo viên,…
Nhóm tận tâm (SC)
– Tính cách khiêm tốn, kiên nhẫn, không thích xung đột.
– Ưu tiên sự ổn định, nhất quán và có hệ thống.
– Có xu hướng trì hoãn các quyết định quan trọng.
Phù hợp với vai trò: Kế toán, chuyên viên phân tích dữ liệu, dược sĩ,…
Nhóm nền tảng (CS)
– Tính cách nhiệt huyết, đáng tin cậy, có trách nhiệm.
– Thích làm việc độc lập, tiếp cận vấn đề một cách logic.
– Đôi khi khá nhút nhát, dè dặt trong việc đóng góp ý kiến.
Phù hợp với vai trò: Nhà khoa học, chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu, giám đốc CNTT,…
Nhóm cầu toàn (CD)
– Tính cách tự tin, quyết đoán.
– Có khả năng quan sát và tính tổ chức cao.
– Đặt tiêu chuẩn cao với bản thân cũng như mọi người xung quanh.
– Thẳng thắn trong giao tiếp.
Phù hợp với vai trò: Giám đốc tài chính, chuyên viên quản trị hệ thống, chuyên viên chiến lược kinh doanh,…
Thông qua việc phân loại nhóm tính cách theo mô hình DISC, bạn có thể dễ dàng khám phá các xu hướng tính cách tiềm ẩn của bản thân. Bên cạnh việc hiểu rõ chính mình, mô hình DISC còn là công cụ giúp bạn thấu hiểu người khác, từ đó điều chỉnh hành vi để giao tiếp hiệu quả hơn.
4. Cách đọc biểu đồ tính cách DISC
Để xác định bản thân thuộc nhóm tính cách nào, bạn sẽ cần làm trắc nghiệm DISC. Sau khi phân tích và đối chiếu, một biểu đồ trực quan sẽ giúp bạn hiểu rõ về nhóm tính cách của bản thân. Ngoài 4 nhóm tính cách DISC, biểu đồ này còn bao gồm 2 cặp phạm trù đối lập, bao gồm:
Hướng ngoại (Outgoing) đối lập với Hướng nội (Reserved).
Hướng về công việc (Task Oriented) đối lập với Hướng về con người (People Oriented).
Hướng dẫn cách đọc biểu đồ tính cách DISC
Dưới đây là các bước để xác định nhóm tính cách thông qua biểu đồ DISC:
Bước 1: Xác định tiêu chí – Hướng nội hay Hướng ngoại
– Biểu đồ nội: Biểu đồ này sẽ trả về kết quả liên quan đến các yếu tố bên trong con người. Chẳng hạn như xu hướng cá nhân thể hiện bản thân, hướng suy nghĩ cả khi thoải mái và khi bị hạn chế bởi vấn đề nào đó.
– Biểu đồ ngoại: Biểu đồ này sẽ trả về kết quả chi tiết liên quan đến cách con người phản ứng trước những yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn như xu hướng thích ứng với hoàn cảnh, môi trường, tình huống phát sinh,… Kết quả này thường có sự biến động bởi chúng chịu tác động từ nhiều tác nhân khác nhau.
Tìm hiểu ngay: Người hướng nội và hướng ngoại: Bạn thuộc nhóm người nào?
Bước 2: Xác định tiêu chí – Hướng về công việc hay Hướng về con người
– Nếu đối tượng tham gia bài test phân tích vấn đề một cách rõ ràng, chính xác và đưa ra lựa chọn, giải pháp một cách quyết đoán, khả năng cao đây là người hướng về công việc.
– Nếu người tham gia bài test không giỏi phân tích, phán đoán và đưa ra quyết định, ngược lại có xu hướng hòa đồng, thân thiện, giỏi giao tiếp và thuyết phục mọi người, đây có lẽ là tuýp người hướng về con người.
Xem xét đối tượng thuộc nhóm hướng về công việc hay hướng về con người
Để chắc chắn hơn trong việc xác định tiêu chí này, bạn có thể đặt ra nhiều vấn đề, câu hỏi hoặc tình huống để xem xét cách đối tượng trả lời.
Bước 3: Tổng hợp kết quả và xác định nhóm tính cách
Sau khi đã có kết quả ở hai bước trên và tổng hợp lại, bạn sẽ có được 4 nhóm tính cách DISC đã được phân tích ở phần trên.
♦ Nhóm 1: Hướng ngoại + Hướng tới công việc: Đây là dấu hiệu của nhóm tính cách Dominance (D) – nhóm người thống trị.
♦ Nhóm 2: Hướng ngoại + Hướng tới con người: Đây là dấu hiệu của nhóm tính cách Influence (D) – nhóm người có tầm ảnh hưởng.
♦ Nhóm 3: Hướng nội + Hướng tới công việc: Đây là dấu hiệu của nhóm tính cách Steadiness (S) – nhóm người kiên định.
♦ Nhóm 4: Hướng nội + Hướng tới con người: Đây là dấu hiệu của nhóm tính cách Compliance (C) – nhóm người tuân thủ.
5. DISC có ảnh hưởng thế nào đến công việc và cuộc sống?
Như vậy, ta đã cùng tìm hiểu DISC là gì cũng như đặc điểm chi tiết của từng nhóm tính cách. Trên thực tế, mô hình này đang được áp dụng rất phổ biến trong cả công việc lẫn cuộc sống. Nó mang đến lợi ích cho không chỉ cá nhân mà còn với các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
5.1 Trong công việc
DISC là một trong những mô hình đánh giá nguồn nhân lực hiệu quả mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên áp dụng hiện nay. Thông qua kết quả đánh giá, nhà quản trị có thể nắm bắt được đặc điểm tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của từng cá nhân. Từ đó lên kế hoạch và giao việc phù hợp với đúng năng lực và tính cách.
Phân tích DISC giúp nhà quản trị giao việc một cách phù hợp
Việc phân tích nhóm tính cách DISC còn giúp nhà quản trị biết cách phối hợp các cá nhân trong cùng một đội nhóm. Chính sự khác biệt về tính cách và phong cách làm việc sẽ là yếu tố bù trừ nhau, giúp hoạt động nhóm trở nên hiệu quả.
Các nhà quản trị cũng có thể nâng cao hiệu quả quản lý nhân viên, điều động và sử dụng nhân tài đúng lúc, đúng chỗ. Từ đó, tiết kiệm chi phí đào tạo cũng như hạn chế lãng phí các nguồn tài nguyên trong doanh nghiệp.
Hiểu được tầm quan trọng của DISC, bộ phận nhân sự hay các cấp quản lý cần bắt tay tìm hiểu ngay DISC. Từ đó đưa ra chiến lược và định hướng phát triển phù hợp cho từng thành viên trong tổ chức.
5.2 Trong cuộc sống
Các cá nhân cũng được khuyến khích tìm hiểu và áp dụng mô hình DISC trong thực tế cuộc sống. Bởi lẽ đây chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp nâng cao nhận thức về bản thân. Thông qua DISC, bạn có thể biết được đâu là thế mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó, khắc phục điểm yếu và tận dụng, phát huy mạnh mẽ năng lực để đi đến thành công nhanh hơn.
Mỗi cá nhân cần hiểu rõ về bản thân để đi đến thành công nhanh hơn
Khi hiểu rõ về bản thân cũng đồng nghĩa là bạn đã đạt được một nửa thành công, giúp định hướng phát triển bản thân một cách phù hợp.
6. Ứng dụng DISC trong tuyển dụng và quản trị nhân sự
Mô hình 4 nhóm tính cách DISC hiện đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, tuyển dụng và quản trị nhân sự là hai khía cạnh cần đặc biệt chú trọng. Cùng tìm hiểu ngay cách ứng dụng DISC trong tuyển dụng và quản trị nhân sự sao cho hiệu quả.
6.1 Trong tuyển dụng nhân sự
Đội ngũ nhân viên được xem là nền móng của toàn bộ doanh nghiệp, do vậy quy trình tuyển dụng luôn cần được chú trọng hàng đầu. Bằng cách áp dụng mô hình DISC, các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm kiếm ứng viên tiềm năng và giao vai trò, nhiệm vụ phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể như sau:
Những người thuộc nhóm D thường phát huy tốt năng lực của mình ở những vai trò lãnh đạo, trưởng bộ phận, trưởng nhóm hoặc bộ phận dịch vụ – bán hàng.
Những vị trí công việc đòi hỏi tính sáng tạo, khả năng thuyết phục, chẳng hạn như truyền thông sự kiện, quảng cáo, thiết kế đồ họa,… sẽ phù hợp với những người thuộc nhóm I.
Mỗi nhóm tính cách sẽ phù hợp với những vị trí công việc khác nhau
Những ứng viên thuộc nhóm S thường thích sự ổn định, làm việc theo kế hoạch và rất đáng tin cậy. Vai trò phù hợp với nhóm này phải kể đến các vị trí trong phòng nhân sự, chuyên gia, điều tra viên,…
Người thuộc nhóm C sẽ phù hợp với các vị trí công việc thuộc lĩnh vực CNTT như chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư phần mềm hoặc kế toán,… Đây đều là những người có tư duy logic, khả năng phân tích và có tính thận trọng cao.
6.2 Trong quản trị nhân sự
Thông qua phân tích từng nhóm tính cách DISC, ta có thể thấy mỗi nhóm tính cách sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, không nên lấy điểm yếu ra để phán xét hay chỉ trích. Thay vào đó, nhà quản trị nên giao việc phù hợp với năng lực, giúp từng cá nhân phát huy điểm mạnh của bản thân. Cụ thể:
Người thuộc nhóm D: Với nhóm tính cách này, nhà quản trị nên trao cho họ quyền hạn nhất định trong công việc. Bên cạnh đó, không nên quá chi li, tính toán về quá trình mà hãy tập trung xem trọng kết quả.
Người thuộc nhóm I: Nhà quản trị cần đặc biệt chú ý đến cảm xúc của nhóm tính cách này. Hãy thường xuyên khen ngợi, đưa ra phản hồi tích cực với những ý kiến mà họ đưa ra.
Người thuộc nhóm S: Người nhóm S thích sự ổn định và làm việc theo kế hoạch, do vậy nhà quản trị cần hạn chế những thay đổi và rủi ro trong công việc đối với người thuộc nhóm S. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập mục tiêu rõ ràng, tài nguyên làm việc cần thiết để phục vụ công việc của họ.
Người thuộc nhóm C: Với nhóm tính cách này, nhà quản trị cần giải thích một cách rõ ràng, mạch lạc về công việc hoặc nhiệm vụ được giao cho họ. Bên cạnh đó cần tiếp nhận những ý kiến, đóng góp của họ một cách tích cực.
(Theo https://maisonoffice.vn/)